Về Đất An Táng
Cát Táng, Hung Táng, Hoả Táng, Cải Táng, Hạ Táng, Thiên Táng và Thuỷ Táng. Có rất nhiều thuật ngữ về việc an táng mà chúng tôi muốn giải thích định nghĩa từng mục sau:
Hung Táng: là để chỉ việc chôn cất người vừa mới mất xuống tạm tại một nơi nào đó và chưa đặt mộ bia, xây cất hoàn chỉnh vì còn có ý định sau vài năm thì đem đi nơi khác, đất tốt hơn, ngày giờ tốt hơn để chôn cất lại. Vì việc chôn cất này chưa có tính toán ngày giờ tốt, địa điểm tốt, xây dựng bia mộ cẩn thận nên gọi là Hung Táng.
Cát Táng: là để chỉ việc sau khi người mất được vài năm thì người nhà đào lên và đem sang khu vực đất tốt về phong thuỷ, chọn ngày giờ tốt để tiến hành hạ táng, đặt bia, xây dựng nhà mồ.
Cải Táng: là việc di dời phần mộ nói chung, có thể sau khi đã cát táng nhiều năm nhưng phần đất chôn cất bị động, quy hoạch hay di dời…thì vẫn có thể chọn vùng đất khác tốt hơn để cải táng.
Hạ Táng hoặc An Táng: có nghĩa chung là việc chôn cất người đã mất dưới đất.
Thiên Táng: hay còn gọi là Điểu Táng là tập tục để cho người chết trên các vùng đồng cỏ thảo nguyên (Tây Tạng) để cho các loại chim kền kền ăn xác người đã mất.
Thuỷ Táng: là thả người đã chết xuống sông để cho dòng nước cuốn trôi đi, thường phổ biến ở dòng sông Hằng, Ấn Độ.
Hoả Táng: tức là hình thức dùng lửa để thiêu phần thi thể của người đã mất. Có thể lựa chọn thiêu nguyên xương tức để lại xương cốt mà chỉ thiêu phần da thịt bên ngoài hoặc có thể lựa chọn thiêu ra tro toàn bộ phần thi thể kể cả phần xương cốt.
Phần xương cốt hoặc tro cốt sau khi thiêu xong thì có thể để vào hũ tro cốt hoặc đem rải xuống sông, biển. Tập tục rải tro cốt xuống sông biển không tốt cho phong thuỷ của con cháu và chỉ nên áp dụng nếu mộ phần đó đã chôn quá lâu (cách trên 4 thế hệ), phần đất phong thuỷ quá xấu. Nếu như rải tro cốt của người vừa mất không lâu xuống sông biển thì cũng vô tình cắt đứt mối liên hệ tình cảm giữa con cháu và cha mẹ ông bà cũng như về lâu dài thì con cháu không còn quyến luyến tình cảm với dòng họ.
Nếu như thiêu còn nguyên xương cốt thì vẫn có thể chôn hũ xương cốt xuống đất và tác dụng phong thuỷ vẫn rất tốt. Lịch sử ghi nhận lại vào thời nhà Thanh, thì hoàng đế Thuận Trị (1638 – 1661) sau khi mất được hoả táng và xương cốt được an táng tại nơi có phong thuỷ rất tốt. Do đó, triều Mãn Thanh tiếp tục kéo dài đến 250 năm sau.
Các nhà sư Phật Giáo cũng thường được hoả táng. Mặc dù đa phần họ xuất gia từ nhỏ và không có con cháu nhưng những nhà sư này cũng thường là các học giả, triết gia nổi tiếng. Phần tro cốt của họ được cho vào những hũ tro và được đặt trong các bảo tháp có phong thuỷ tốt cũng giúp cho ngôi chùa và tư tưởng của họ được nổi tiếng và truyền bá rộng rãi. Việc đặt hũ tro cốt ở các tầng nào trên bảo tháp hoặc đặt theo hướng nào cũng có thể được tính toán tốt nhất theo phong thuỷ. Tuy nhiên vì là đặt trên cao, tiếp xúc với Thiên Khí nhưng không tiếp xúc trực tiếp với Địa Khí (không được chôn cất dưới đất) nên hũ tro cốt đặt trên cao thì độ hiệu quả cũng bị giảm đi so với việc chôn hũ tro cốt xuống đất. Một số trường hợp khi các bảo tháp được xây dựng ở cạnh các ngọn núi thì xem như cũng tiếp xúc được năng lượng Địa Khí lớn.
Nhiều người cũng chuộng việc gửi hũ tro cốt vào trong các đền chùa, miếu nơi thường xuyên nghe tụng câu kinh tiếng kệ, điều này chủ yếu về mặt tâm linh tôn giáo. Nếu những ngôi chùa tu tập tốt, sư sãi trì giới, có đạo hạnh cao thì tất nhiên là tốt. Tối kỵ là nhiều người sau khi thiêu xong thì đem hũ tro cốt về đặt trong nhà thờ cúng, điều này không tốt vì phần tro cốt của người đã mất vẫn được tính là âm do đó không nên ở bên cạnh người còn sống.