Về Ngũ Hành
Trong phong thủy, sự tương tác của ngũ hành được sử dụng rộng rãi để tăng dương khí và điều chỉnh âm khí nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu ngũ hành là gì?
1. Ngũ hành là gì?
Sự vận động không ngừng của vũ trụ đã hướng con người tới những nhận thức sơ khai trong việc cắt nghĩa quá trình phát sinh của vũ trụ và hình thành thuyết âm dương.
Đi cùng theo đó, dựa trên sự chấp nhận cách vận hành của thế giới, nguyên lý ngũ hành đã đưa ra một giải pháp hệ thống, mang tính dự báo về cách thức khí vận động thông qua những thay đổi mang tính chu trình của âm và dương.
Ngũ hành là gì?
Theo nghĩa đen: “Ngũ hành” là 5 hành tố gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây là những nguyên tố cơ bản tồn tại trong vạn vật.
Theo triết học Trung Hoa cổ đại, ngũ hành là thuyết vật chất sớm nhất của nhân loại, tồn tại độc lập với ý thức của con người.
Thuyết Ngũ hành theo thuyết duy vật cổ đại có 5 vật chất tạo nên thế giới, có sự tương sinh, tương khắc với nhau bao gồm:
- Nước (hành Thủy)
- Đất (hành Thổ)
- Lửa (hành Hỏa)
- Cây cối (hành Mộc)
- Kim loại (hành Kim)
Âm dương ngũ hành
Âm dương ngũ hành là học thuyết triết học phương Đông cơ bản về vũ trụ nhưng lại có sự thiên biến vạn hóa vi diệu, được ứng dụng rộng rãi và phổ biến trong đời sống con người.
Học thuyết này ứng dụng trong tử vi, kinh dịch, phong thủy, nhân tướng và rất nhiều bộ môn khác như thiên văn, lịch pháp, y học, dược học, võ học, sinh học, định chế xã hội, văn hóa, địa lý, chiêm tinh, bói toán,….
2. Đặc tính của ngũ hành
Đặc tính của ngũ hành là: Lưu hành, luân chuyển và biến đổi không ngừng.
- Ngũ hành không bao giờ mất đi, nó cứ tồn tại mãi theo không gian và thời gian, nó là nền tảng là động lực để vũ trụ vận động và vạn vật được sinh thành.
- Lưu hành nghĩa là 5 vật chất lưu hành tự nhiên trong vạn vật trong không gian và thời gian. Ví như lửa khi lưu hành sẽ đốt cháy mọi thứ nó đi qua.
- Luân chuyển nghĩa là 5 vật chất luân chuyển tự nhiên ví như hành mộc cây sẽ từ bé mà lớn lên.
- Biến đổi nghĩa là 5 vật chất sẽ biến đổi ví như lửa đốt cháy mộc hóa thành than, hay mộc lớn lên có thể lấy gỗ làm nhà, hay kim trong lòng đất được khai thác và chế biến thành công cụ có ích….
3. Quy luật của ngũ hành
Vât chất luôn vận động, trong quá trình vận động các vật luôn tác động lẫn nhau. mỗi vật thể đều chịu tác động của hai nguồn lực đối lập, thúc đẩy và kìm hãm.
Quy luật tương sinh, tương khắc
Trong tình trạng hoạt động bình thường, ngũ hành vừa tương sinh lại vừa tương khắc để giữ cân bằng, hài hòa giữa các vật liên quan. Nếu chỉ sinh mà không có khắc sẽ dẫn đến tình trạng phát triển quá mức, phá vỡ sự cân bằng tự nhiên. Nếu chỉ khắc mà không sinh sẽ dẫn đến suy thoái, tàn lụi cũng phá vỡ sự cân bằng tự nhiên.
Khi tương sinh, tương khắc bị rối loạn sẽ chuyển thành tương thừa, tương vũ.
Ngũ hành tương sinh
Tương sinh là giúp thúc đẩy, nuôi dưỡng. Hành sinh ra hành khác gọi là hành mẹ, hành được sinh ra gọi là hành con.
Mộc sinh hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc
Ví dụ: Cây cỏ thuộc Mộc, khi cháy sinh Hỏa, Hỏa cháy thành than sinh Thổ…
Ngũ hành tương khắc
Tương khắc là ngăn cản, kiềm chế, giám sát.
Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc
Ngũ hành tương thừa
Tương thừa là khắc quá mạnh, hành đi khắc quá mạnh so với hành bị khắc.
Ví dụ: Mộc thừa khắc thổ (Can Mộc thừa khắc Tỳ Thổ)
Ngũ hành tương vũ
Vũ là sự phản ngược lại, ngược lại với tương thừa. Hành đi khắc quá yếu so với hành bị khắc. Xảy ra hiện tượng bị khắc phản lại hành đi khắc.
Ví dụ: Như bình thường Kim khắc Mộc, Mộc chắc quá làm Kim gãy.