Những sai lầm trong việc chọn hướng

Những sai lầm trong việc chọn hướng

Phương Pháp Chọn Hướng Của Tưởng Đại Hồng

Tưởng đại Hồng sinh vào cuối thời Minh và sống qua tới đầu thời nhà Thanh, là một nhà Phong thủy nổi tiếng của thời đại đó, đồng thời cũng là người được chân truyền những bí pháp của Huyền Không. Tuy đương thời ông không viết sách để nói về phương pháp chọn hướng của mình, nhưng qua một số trường hợp mà ông chọn hướng cho người khác, được đệ tử của ông là Khương Diêu kể lại trong tác phẩm “Tòng sư tùy bút”, chúng ta cũng có thể đoán là ông chỉ dùng đơn hướng, chứ ít khi dùng kiêm hướng. Ngoài đoạn văn đã được trích dẫn trong bài “PHƯƠNG PHÁP CHỌN HƯỚNG NHÀ ”, thì còn một số đoạn văn khác xin được trích ra dưới đây để bạn đọc tham khảo thêm:

1) Thẩm hiếu Tử người Đông Quan, hạ táng người thân, địa sư điểm huyệt sơn THÌN hướng TUẤT kiêm ẤT-TÂN (tức kiêm 3 độ chứ không nhiều). Phu tử cùng tôi đi ngang qua đó, thấy Hiếu Tử ôm quan tài khóc lóc thật là thảm thiết. Thầy quan sát biết là người hiếu hạnh, mới sửa lại lập sơn CÀN hướng TỐN (chú thích của người viết: tức đơn hướng chứ không kiêm độ nào cả. Một điều bạn đọc cần biết là người xưa khi lấy tọa-hướng, tuy không nói rõ bao nhiêu độ, nhưng nếu tọa-hướng đó bị kiêm, dù là chỉ kiêm1 hoặc 2 độ thì họ sẽ luôn nói kiêm thêm tọa-hướng nào vào). Sau khi táng mười năm, Hiếu Tử nhờ buôn bán mà khá lên, tích lũy được hơn mười vạn, sinh được nhiều con trai tướng mạo đều khôi vĩ, thông minh hơn người. Lúc táng là vận 2 Thượng nguyên, mùa xuân năm GIÁP NGỌ.

* Chú thích của người viết: mộ chôn vào vận 2, lấy tọa CÀN hướng TỐN thì đắc vượng khí của Hướng tinh tới hướng, vượng khí của Sơn tinh tới tọa, tức là được “ĐÁO SƠN, ĐÁO HƯỚNG” nên vượng phát cả tài lẫn đinh.

Nếu chọn tọa THÌN hướng TUẤT kiêm ẤT-TÂN như những địa sư khác chỉ thì mộ sẽ bị vượng khí của Hướng tới tọa, vượng khí của Sơn tới Hướng, tức là bị cách “THƯỢNG SƠN, HẠ THỦY” chủ phá bại cả về nhân đinh lẫn tài lộc.

2) Mùa xuân năm ẤT DẬU (vận 2), Tiên sinh điểm huyệt cho nhà họ Thương, dùng sơn CẤN hướng KHÔN (tức cũng dùng đơn hướng). Chúng tôi bàn luận thì thấy phạm “THƯỢNG SƠN, HẠ THỦY”, vả lại còn phạm “PHẢN-PHỤC NGÂM”. Không hiểu vì sao lại dùng Sơn-Hướng như vậy, bèn hỏi thầy. Thầy mỉn cười nói:”Các con chờ xem ngày sau huyệt này như thế nào”? Chưa tới 2 năm, nhà họ Thương tài, đinh, phú quý đều có đủ cả 3. Năm ấy vào mùa Đông, thầy cũng lại dùng Sơn-Hướng đó điểm huyệt cho nhà họ Vương, sau gia đạo của họ Vương cũng ngày càng hưng thịnh. Tôi hỏi thầy 3 lần, thầy chỉ cười mà không đáp, (nên) không biết đây là phép gì?

* Chú thích của người viết: Vận 2 lập tọa CẤN hướng KHÔN thì toàn bàn (9 cung) sẽ đắc TAM BAN QUÁI (sẽ nói trong 1 bài khác) nên tài, đinh, phú quý đều có đủ. Chỉ vì Khương Diêu chưa được Tưởng đại Hồng dạy cho bí quyết này nên mới còn bỡ ngỡ, chỉ nhìn thấy được những cách “THƯỢNG SƠN, HẠ THỦY” và “PHẢN-PHỤC NGÂM mà thôi.

Tham khảo: Phương pháp chọn hướng nhà

Nhìn vào 2 đoạn văn trên, cộng với đoạn văn đã được trích dẫn trong bài “PHƯƠNG PHÁP CHỌN HƯỚNG NHÀ (2)”, chúng ta có thể thấy là Tưởng đại Hồng khi chọn hướng thường là lấy đơn hướng, chứ không lấy kiêm 3 độ như 1 số phái khác hay làm, bất kể những tọa-hướng đó là thuộc về những Sơn thuộc Địa Chi (như những sơn TÝ, SỬU, DẦN, MÃO…) hoặc Tứ Ngung (là CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN). Điều này cũng phá bỏ những lý thuyết cho rằng những Sơn thuộc Tứ Ngung (CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN) và Thiên Can (GIÁP, ẤT, BÍNH, ĐINH, CANH, TÂN, NHÂM, QUÝ), khí của chúng đều quá mạnh, nên không thể lấy đơn hướng (tức lấy tuyến chính giữa để lập hướng). Nếu lấy thì hung họa sẽ tới, cho nên khi gặp những hướng đó thì đều phải kiêm 2, 3 độ, tức là để tránh những trường khí quá mạnh đưa tới!!!

Dưới đây là 1 đoạn văn khác gián tiếp cho thấy sự sai lầm của lý thuyết trên như sau:

“Thông gia của tôi (tức Khương Diêu) nhờ địa sư Quảng Diên ngoài 10 năm mới tìm được 1 cuộc đất cực đẹp. Năm GIÁP TÝ, niên hiệu Khang Hy thứ 23, vận 1, sơn NHÂM hướng BÍNH. Sau khi táng 1 năm thì toàn gia bị bệnh dịch chết hết. Con cháu của họ tranh cãi về chuyện này cho tới nay vẫn chưa dứt. Phu tử Đỗ Lăng (tức Tưởng đại Hồng) lên núi quan sát thì cười mà nói:”Cuộc đất này đúng là đẹp, đáng tiếc phạm vào “Phản ngâm, Phục ngân” gặp họa vì táng không đúng thời vậy”.

Đọc đoạn văn trên chúng ta thấy đối với Tưởng đại Hồng thì nguyên do dẫn tới tai họa không phải là vì tọa-hướng thuộc Thiên Can (NHÂM-BÍNH) mà lại lấy đơn hướng, mà chỉ vì lập trong vận 1, Sơn-Hướng tinh 1-1 đều đến phía BẮC tức là bị “Phục ngâm”, Sơn tinh số 2 là Sinh khí tới Hướng nên bị “Hạ thủy”, Hướng tinh số 9 tới hướng (phía NAM) là suy khí mà còn bị “Phục ngâm”. Đó mới chính là nguyên do dẫn đến tai họa mà thôi.
Còn một số trường phái khác lại cho rằng khí của những Sơn thuộc Địa Chi, nhất là những Sơn của Tứ Chính (tức TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU) thì khí trường của nó cực mạnh, cho nên không được lấy đơn hướng, mà phải kiêm 2, 3 độ để tránh lực của nó thì mới không bị tai họa!!! Rất tiếc là trong sách vở không có thí dụ nào của Tưởng đại Hồng (hay những bậc danh sư khác) về những hướng này.
Nhưng nếu chúng ta nhìn vào bản đồ trung tâm của Thủ đô Washington của Hoa Kỳ, với hầu hết nhà cửa, dinh thự của chính phủ và tư nhân đều cất theo 4 chính hướng TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU mà nói rằng vì thủ đô của nước Mỹ thiết kế phạm phải 4 hướng của Tứ Chính, cho nên những ai làm việc và sinh sống tại đây sẽ nghèo đói và bị nhiều tai họa hơn những thành phố hay thủ đô khác thì thật là những kết luận không có gì sai lầm hơn vậy.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *