Phương pháp chọn hướng nhà
PHƯƠNG PHÁP CHỌN HƯỚNG NHÀ (1)
Đối với Huyền Không phi tinh, việc lựa chọn tọa sơn, lập hướng cho một căn nhà (hay phần mộ) là một vấn đề khá phức tạp, đòi hỏi nhiều công phu và mức độ xem xét khá tỉ mỉ.
Tuy rằng trên nguyên tắc thì bất cứ tuyến vị nào đắc vượng tinh tới hướng hay tới cửa đều có thể chọn dùng, nhưng Huyền Không còn đòi hỏi hướng nhà phải thuần khí, chứ không được pha tạp với những khí khác. Muốn đạt được điểm này thì nhà (hay mộ) cần phải được chính sơn, chính hướng, đồng thời phải xa lánh những tuyến Đại không vong và Tiểu không vong.
Nếu trong trường hợp nhà không thể chọn được chính hướng, mà bắt buộc phải kiêm hướng, thì độ kiêm cũng cần phải theo đúng pháp độ, chứ không thể tùy tiện chọn lựa.
Sau đó còn phải phối hợp với sơn-thủy và địa hình chung quanh, cũng như Thành môn ở 2 bên hướng như thế nào? Nếu mọi sự đều tốt đẹp thì đó mới là cục diễn toàn mỹ, còn nếu không thì tùy trường hợp nào khiếm khuyết mà mức độ tốt đẹp sẽ giảm thiểu, cho nên tuy rằng căn nhà đó cũng có thể tạm ở, nhưng nên chờ cơ hội mà tu chỉnh lại hay kiếm những nơi khác tốt đẹp hơn.
Dưới đây chúng ta sẽ khảo sát từng điều kiện ở trên để có thể hiểu thấu đáo hơn về phương pháp chọn hướng nhà.
– Vấn đề thuần khí
– Chính Sơn, Chính Hướng
– Kiêm hướng
– Đại Không Vong
– Tiểu Không Vong
– Thành môn
– Phối hợp Phi tinh với địa hình
Vấn đề thuần khí
Huyền Không Phong Thủy rất coi trọng vấn đề này, xem nó như là yếu tố đầu tiên quyết định họa phúc, sang hèn của một căn nhà. Muốn xét căn nhà có được thuần khí hay không thì trước hết phải nhớ kỹ Tam Nguyên Long, đã được nói trong những bài trước, ở đây chỉ sơ lược lại như sau:
THIÊN NGUYÊN LONG:
• 4 sơn dương: CÀN-KHÔN-CẤN-TỐN
• 4 sơn âm: TÝ-NGỌ-MÃO-DẬU
NHÂN NGUYÊN LONG:
• 4 sơn dương: DẦN-THÂN-TỴ-HƠI
• 4 sơn âm: ẤT-TÂN-ĐINH-QUÝ
ĐỊA NGUYÊN LONG:
• 4 sơn dương : GIÁP-CANH-NHÂM-BÍNH
• 4 sơn âm: THÌN-TUẤT-SỬU-MÙI
Một căn nhà được xem là Thuần khí khi tuyến vị tọa-hướng của nó hoặc là nằm chính giữa 1 sơn, hoặc là lệch sang bên phải hoặc bên trái tuyến vị đó (còn gọi là Kiêm hướng) nhưng không quá 3 độ. Nếu lệch quá 3 độ thì sẽ lấy khí của sơn bị kiêm nhiều quá, khiến cho khí của tọa-hướng không còn thuần khiết nữa, mà đã bị pha tạp, mức độ tốt đẹp sẽ giảm thiểu, hoặc sẽ gặp hung họa lớn, nếu như chẳng may nhà lại không đắc được vượng khí tới hướng hay cửa, nhất là chủ về chết người, tổn đinh hay bị tuyệt tự.
– Thí dụ 1: Căn nhà có hướng là 180 độ. Vì đây là tuyến vị chính giữa của sơn NGỌ (bao gồm từ 172 độ 6 đến 187 độ 5), nên nhà này được xem là Thuần khí.
– Thí dụ 2: Căn nhà có hướng là 185 độ. Vì tuyến vị này đã lệch 5 độ so với tuyến chính giữa của cung NGỌ, nên sẽ không được coi là thuần khí nữa, và khi lập tinh bàn phải dùng đến “Thế quái”. Lúc đó nếu nhà đắc được vượng khí thì cũng khá tốt, nếu không đắc được vượng khí thì tai họa sẽ chồng chất do việc khí không thuần gây ra.
Ngoài vấn đề tuyến vị của tọa-hướng không được kiêm quá nhiều, còn phải để ý đến vị trí của cổng, cửa và ngõ vào nhà. Nếu tọa-hướng nhà thuộc Thiên Nguyên Long thì cổng, cửa và ngõ vào nhà phải cùng nằm trong những khu vực thuộc Thiên Nguyên. Nếu tọa-hướng nhà thuộc Nhân Nguyên thì cổng, cửa cũng phải nằm trong những khu vực thuộc Nhân Nguyên. Nếu tọa-hướng thuộc Địa Nguyên thì cổng, cửa cũng phải nằm trong khu vực của Địa Nguyên. Có như thế mới bảo đảm được sự thuần khí.
– Thí dụ căn nhà tọa TÝ hướng NGỌ. Vì TÝ-NGỌ đều thuộc Thiên Nguyên Long, nên khi làm cổng, cửa cũng cần phải đưa về những khu vực thuộc Thiên nguyên Long. Nếu nhà gần ngã ba, ngã tư, hay có những lối rẽ vào nhà thì những ngã ba, ngã tư hay những khúc rẽ này cũng cần nằm tại các khu vực thuộc Thiên nguyên Long (nếu tính từ tâm nhà).
Một điểm quan trọng khác là tuy tọa-hướng và cổng, cửa của 1 căn nhà cần phải cùng 1 Nguyên Long với nhau, nhưng phải trái ngược âm-dương môi bảo đảm được phúc, lộc lâu dài (Phúc-Lộc vĩnh trinh).
– Thí dụ nhà tọa TÝ hướng NGỌ. Vì tọa-hướng của căn nhà này là thuộc âm hướng của Thiên nguyên Long, nên cổng, cửa hoặc ngõ vào nhà này cũng nên nằm tại những sơn thuộc Thiên nguyên Long như TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU hay CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN. Nhưng nếu chúng nằm tại các sơn CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN thì đó là cách phối hợp âm hướng với dương khẩu, phúc lộc sẽ tốt đẹp và lâu dài hơn nếu cổng, cửa nằm tại các sơn TÝ, NGỌ MÃO, DẬU (vì âm hướng phối với âm khẩu thì âm khí quá thịnh, phúc khí không thể phát mạnh được).
Cho nên khi chọn phương hướng cho một căn nhà thì lần lượt theo các bước sau:
1) Dùng la bàn để đo xem hướng nhà là bao nhiêu độ? Và nó thuộc tuyến vị chính giữa của mỗi sơn hay kiêm, và kiêm nhiều hay ít?
2) Xác định tọa-hướng của căn nhà là thuộc Nguyên Long nào? Và là âm hay dương?
3) Phối hợp với phương vị của cổng, cửa, ngõ vào nhà hay ngã ba, ngã tư gần nhà, sao cho chúng vừa phải đồng Nguyên, vừa phải phối hợp được giữa âm hướng với dương khẩu, hay giữa dương hướng với âm khẩu, cộng với vượng tinh tới hướng thì phú quý sẽ có đủ.
Nếu bất đắc dĩ không thể đạt được cuộc âm-dương phối hợp giữa hướng và khẩu thì ít nhất cũng cần đạt được sự đồng Nguyên giữa khẩu và hướng, cộng với vượng khí chiếu tới hướng hay cửa cũng có thể hưng thịnh 1 thời. .
Chính Sơn, Chính Hướng
Chính vì vấn đề đòi hỏi nhà (hay mộ) phải thuần khí, nên không những giữa tọa-hướng với cổng, cửa và ngõ vào nhà phải cùng 1 Nguyên Long, mà tuyến vị của tọa-hướng cũng nên nằm tại tuyến vị chính giữa của mỗi sơn (xin xem lại bài “24 SƠN-HƯỚNG VÀ TAM NGUYÊN LONG). Nếu có kiêm (hay lệch) sang phải hoặc sang trái cũng không được quá 3 độ so với tuyến vị chính giữa. Có như thế mới bảo đảm cho tọa-hướng của căn nhà được thuần khí.
Một điều làm cho người mới biết về Phong thủy hoang mang không ít là có nhiều trường phái lại cho là những tuyến vị chính giữa của mỗi sơn-hướng đều là những tuyến xấu, có khí trường quá mạnh nên không thể lấy. Nếu chọn những tuyến đó để tạo sơn, lập hướng thì sẽ dễ gặp tai họa!!! Do đó, khi chọn tọa-hướng cho nhà (hay mộ) thì họ thường không bao giờ chọn tuyến vị chính giữa, mà bao giờ cũng sẽ chọn tuyến vị kiêm 3 độ.
Quan điểm này không hiểu là do những hiểu biết sai lầm về Phong thủy, hay do ảnh hưởng của xã hội phong kiến thời xưa. Vì dưới các thời đại phong kiến Trung Hoa trước đây, chỉ có vua chúa, quan lại mới được xử dụng những gì được coi là cao sang, tốt đẹp, còn dân thường thì phải né tránh, không được “vi phạm” tới. Ngay cả phương hướng làm nhà cửa, cung điện… thì cũng chỉ có vua hoặc quan lớn mới lấy theo tuyến vị chính giữa của sơn-hướng. Chẳng hạn như những dinh thự, lâu đài của các vua chúa ngày xưa thường cất theo trục tọa TÝ (BẮC) hướng chính NGỌ (NAM), chứ không kiêm 3 độ bao giờ. Cho nên có thể là các vua chúa và những đại sư Phong thủy đời xưa cũng đã thấy được cái quý của vấn đề thuần khí và tuyến vị chính giữa của mỗi sơn-hướng. Chính vì vậy mà chỉ có họ mới được lập mà thôi. Còn nhà dân thường thì bao giờ cũng kiêm 3 độ, tuy vẫn được coi là thuần khí, nhưng ít nhiều cũng đã bị pha tạp bởi khí khác, nên ít ra là về phong cách cũng sẽ không bằng tầng lớp qúy tộc trong xã hội được.
Ngoài ra, nếu ai đã đọc tác phẩm “Tòng sư tùy bút” của Khương Diêu (đệ tử của Tưởng đại Hồng, 1 danh sư Phong thủy cuối thời nhà Minh) thì cũng có thể thấy vấn đề né tránh tuyến vị chính giữa và chọn “kiêm 3 độ” là sai lầm như sau:
“Ngày nọ, tôi (tức Khương Diêu) theo Phu tử (tức Tưởng đại Hồng) ra ngoài Xương an Môn, thấy nhà nọ hạ táng. Các thổ công đều nói “Tưởng tiên sinh tới rồi!”. Chủ nhân hỏi: “Tưởng tiên sinh là ai?” Thổ công đều nói:”Tiên sinh là bậc địa tiên”. Một số địa sư (tức thầy Phong thủy) đứng ở đấy che miệng cười khẩy, nói với chủ nhân rằng: “Ông ta là Tưởng đại Hồng, thường nói thiên cơ bất khả tiết lộ đó”. Rồi bọn họ quay qua nói với thầy tôi:”Cuộc đất tốt như vầy là chốn hưng thịnh của Trời, không cần ông nhọc sức tiết lộ thiên cơ”. Chủ nhân cũng khoe cuộc đất của mình long huyệt sơn thủy đều đẹp. Thầy tôi chẳng nói gì. Thổ công là người quen biết với tôi mới mách cho biết rằng:”Cuộc đất này sơn SỬU, hướng MÙI kiêm CẤN-KHÔN. Ba năm trước đây Tưởng tiên sinh có điểm huyệt giúp cho 1 người, cũng dùng sơn SỬU, hướng MÙI (tức lấy tuyến chính giữa của SỬU-MÙI, chứ không kiêm 1 độ nào cả), nay nhà ấy ngày càng hưng thịnh. Ở đây có 1 địa sư sao chép lại cách điểm huyệt của Tưởng tiên sinh, muốn bắt chước chỉ dùng đơn hướng. Nhưng chủ nhân và các địa sư khác đều không dám tin theo, mấy ông ấy ùn ùn kiêm 3 độ”. Thầy về, tôi kể lại thì thầy nói:”Chủ nhân ắt phải chết. Phạm vào Ngũ Hoàng, Lực sĩ mà không mất người được ư?” (vì năm đó 2 sao Ngũ Hoàng, Lực sĩ đều tới phương tọa của ngôi mộ). Sau khi táng chưa tới 5 ngày, chủ nhân bị ngã ngựa mà chết”.
Xem thêm: Chính Thần và Linh Thần
Kiêm hướng
Những nhà có tuyến vị của tọa-hướng nằm lệch từ 1 độ đến 7 độ 5 so với tuyến vị chính giữa (bất kể là lệch sang bên phải hoặc bên trái) của 1 sơn thì đều được xem là Kiêm hướng. Nhưng như đã nói ở phần trên, những nhà có tuyến vị lệch từ 1 đến 3 độ thì vẫn được coi là thuộc “chính sơn, chính hướng”, khí vẫn còn thuần nhất nên không có gì thay đổi. Còn những nhà có tuyến vị lệch từ 3 đến 6 độ thì do độ kiêm khá lớn, khí của sơn bên cạnh đã pha tạp với khí của chính tọa, chính hướng, cho nên khi lập tinh bàn mới phải dùng đến Thế Quái (tức số thế, xin coi lại bài “THẾ QUÁI”).
Đây là trường hợp chỉ nên tạm dùng trong 1 thời vận nào đó, đến khi qua vận khác mà nếu thấy chính hướng đắc vượng khí thì cần xây dựng lại nhà của (hay phần mộ) theo hướng đó, chứ không thể để nhà cửa kiêm hướng nhiều trong 1 thời hạn lâu dài, sẽ có tai họa do vấn đề khí không thuần khiết mà ra, khiến cho người trong nhà phẩm chất hư hèn, lại dễ mắc những tai họa về hình ngục. Câu “Chính sơn, chính hướng lưu chi thượng, quá yêu ngộ hình trượng” trong “Thiên bảo Kinh” của Dương quân Tùng, có nghĩa là sơn-hướng cần phải kiêm ít, chứ không thể kiêm nhiều, nếu kiên nhiều (quá yêu) tất sẽ bị tai họa về hình ngục, lao tù (ngộ hình trượng). Cho nên người học Huyền Không phải rất cẩn thận trong vấn đề kiêm hướng.
Ngoài ra, trong trường hợp kiêm hướng thì cũng còn phải tùy theo âm-dương mà kiêm đúng pháp độ thì mới có thể tạo phúc, chứ không thể kiêm 1 cách tùy tiện. Nói tùy theo âm-dương tức là phải coi xem tọa-hướng của 1 căn nhà là nằm trong những sơn dương hay âm? Nếu chúng nằm trong những sơn dương thì khi kiêm hướng cũng phải cần dùng những độ số dương như 1, 3, 5, 7. Nếu chúng nằm trong những sơn âm thì cần dùng những độ số âm như 2, 4, 6. Đó mới là kiêm đúng pháp độ. Còn kiêm không đúng pháp độ tức là tọa-hướng thuộc sơn dương mà lại dùng độ số âm, hay tọa-hướng thuộc sơn âm mà lại dùng độ số dương.
Nếu kiêm đúng pháp độ thì trong trường hợp đắc vượng khí tới hướng cũng có thể phát khá lớn, trong trường hợp thất vận hoặc gặp khí suy tử chiếu tới cũng không đến nỗi mắc tai họa nặng lắm. Nếu kiêm không đúng pháp độ thì dù đắc vượng khí tới hướng mà có đắc tài đắc lộc cũng có những tai họa bất ngờ. Gặp lúc thất vận thì hung họa càng khủng khiếp, không thể đo lường được.
Một điều cần để ý là khi 1 căn nhà hay 1 ngôi mộ kiêm hướng thì chính tọa chính hướng của nó được gọi là “Chủ Sơn, Chủ Hướng”, còn tọa-hướng được kiêm gọi là “Chi Thần”. Rồi phải xem cổng, cửa, lai, khứ thủy… phải cùng 1 Nguyên Long với “Chủ Sơn, Chủ Hướng”, chứ không thể cùng Nguyên Long với “Chi Thần” được. .
PHƯƠNG PHÁP CHỌN HƯỚNG NHÀ (2)
Đại Không Vong
Tuyến Đại không vong là những đường ranh giới giữa 8 hướng trên la bàn. Biết rằng 1 vòng tròn trên la bàn bao gồm 360 độ, nếu chia ra 8 hướng thì mỗi hướng sẽ chiếm đúng 45 độ. Những tuyến độ nằm giữa 2 hướng là những tuyến Đại không vong. Ví dụ như hướng BẮC bắt đầu từ 337 độ 5 đến 22 độ 5, kế đó là hướng ĐÔNG BẮC bắt đầu từ 22 độ 5 đến 67 độ 5. Những tuyến vị 337 độ 5, hoặc 22 độ 5, hoặc 67 độ 5 là những tuyến Đại không vong.
Như vậy, có 8 tuyến Đại không vong trên la bàn như sau:
– Tuyến 22 độ 5 (giữa BẮC và ĐÔNG BẮC).
– Tuyến 67 độ 5 (giữa ĐÔNG BẮC và ĐÔNG).
– Tuyến 112 độ 5 (giữa ĐÔNG và ĐÔNG NAM).
– Tuyến 157 độ 5 (giữa ĐÔNG NAM và NAM).
– Tuyến 202 độ 5 (giữa NAM và TÂY NAM).
– Tuyến 247 độ 5 (giữa TÂY NAM và TÂY).
– Tuyến 292 độ 5 (giữa TÂY và TÂY BẮC).
– Tuyến 337 độ 5 (giữa TÂY BẮC và BẮC).
Ngoài 8 tuyến vị kể trên (được coi là 8 tuyến Đại không vong chính), còn có những tuyến nằm gần sát và 2 bên những tuyến đó trong khoảng 1 độ 5 cũng đều được coi là những tuyến Đại không vong cả.
– Thí dụ 1: một căn nhà có hướng 21 độ. Vì tuyến này chỉ cách tuyến Đại không vong chính (giữa 2 hướng BẮC và ĐÔNG BẮC, tức tuyến 22 độ 5) có 1 độ 5, cho nên hướng nhà này phạm Đại không vong.
– Thí dụ 2: một căn nhà có hướng 23 độ 5. Vì tuyến này cũng chỉ cách tuyến Đại không vong chính có 1 độ, nên nó cũng là tuyến Đại không vong.
– Thí dụ 3: một căn nhà có hướng là 20 độ 5. Vì tuyến này cách tuyến Đại không vong chính 2 độ, nên nó không được coi là tuyến Đại không vong nữa.
Đối với Phong thủy Huyền Không, tất cả mọi tuyến Đại không vong đều là những tuyến vị cực xấu. Nếu cất nhà, xây mộ theo những hướng đó thì về nhân sự có thể bị chết người, cô quả hay bị tuyệt tự. Về tài lộc có thể bị phá sản, lao tù vì tiền bạc… Về bản chất con người sống trong những nhà đó cũng chủ thô tục, bần tiện, thiếu liêm sỉ hoặc hung ác, lại hay thấy ma quỷ…
Tuyến Đại không vong sở dĩ cực xấu là vì tọa-hướng của căn nhà đã kiêm quá nhiều (từ 6 đến 7 độ 5) nên khí của căn nhà đã hoàn toàn bị pha tạp, biến chất. Nó vừa kiêm khí của sơn khác (trong 24 sơn), vừa kiêm khí của hướng khác (trong 8 hướng).
– Thí dụ nhà hướng 22 độ, tọa ĐINH hướng QUÝ kiêm MÙI-SỬU 7 độ, nên tọa và hướng vừa kiêm đều 2 sơn (tọa là ĐINH kiêm MÙI; hướng là QUÝ kiêm SỬU). Nhưng vì ĐINH thuộc hướng NAM, còn MÙI thuộc hướng TÂY NAM, nên tọa của nhà này vừa thuộc hướng NAM, vừa kiêm thêm hướng TÂY NAM nữa. Tương tự, ở hướng là QUÝ kiêm SỬU, nhưng QUÝ thuộc hướng BẮC, còn SỬU thuộc hướng ĐÔNG BẮC, nên hướng nhà này vừa thuộc hướng BẮC, vừa kiêm ĐÔNG BẮC.
Những nhà thuộc tuyến Đại không vong đều bị coi là “LẠC QUẺ” hay “XUẤT QUÁI” (tức ra ngoài phạm vi 1 hướng) bởi vì tạp khí hỗn loạn, không có một chính khí đủ mạnh để làm chủ khí, như nhà không chủ. Những căn nhà này dễ có nhiều tai họa nghiêm trọng như bị tà khí chi phối, bị ma quỷ quấy phá, cũng như con người trở nên hẹp hòi, thô lậu, bần tiện, gian trá hơn. Chính vì vậy mà “Trạch vận Tân án” mới nói những nhà có hướng thuộc tuyến Đại không vong thì ”tiến thoái đều khó, trở thành tiện cục (cách bần tiện), khiến vợ, chồng lục đục, anh em bất hòa, văn nhân thì mắc bệnh thần kinh, nhiều sự bất hạnh liên tiếp xảy ra”.
PHƯƠNG PHÁP CHỌN HƯỚNG NHÀ (3)
Tiểu Không Vong
Tuyến Tiểu không vong: nếu tuyến Đại không vong là những tuyến nằm ngay lằn ranh của 2 hướng, thì tuyến Tiểu không vong là những tuyến nằm ngay lằn ranh của 2 sơn. Như chúng ta đã biết, trên la bàn gồm 360 độ được chia ra 8 hướng, mỗi hướng chiếm 45 độ. Trong mỗi hướng lại được chia ra làm 3 sơn, nên mỗi sơn chiếm 15 độ. Cho nên tổng cộng có 24 sơn trên la bàn, và vì vậy cũng có 24 tuyến Tiểu không vong chính như sau:
– Hướng BẮC: gồm những tuyến: 352 độ 5, 7 độ 5, và 22 độ 5.
– Hướng ĐÔNG BẮC: những tuyến: 37 độ 5, 52 độ 5, và 67 đô 5.
– Hướng ĐÔNG: gồm những tuyến: 82 đô 5, 97 độ 5, và 112 độ 5.
– Hướng ĐÔNG NAM: những tuyến: 127 độ 5, 142 độ 5, và 157 độ 5.
– Hướng NAM: gồm những tuyến: 172 độ 5, 187 độ 5, và 202 độ 5.
– Hướng TÂY NAM: những tuyến: 217 độ 5, 232 độ 5, và 247 độ 5.
– Hướng TÂY: gồm những tuyến: 262 độ 5, 277 độ 5, và 292 độ 5.
– Hướng TÂY BẮC: những tuyến: 307 độ 5, 322 độ 5, và 337 độ 5.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì ta thấy tất cả những tuyến Tiểu không vong cuối cùng của mỗi hướng như 22 độ 5 của hướng BẮC, 67 độ 5 của hướng ĐÔNG BẮC, 112 độ 5 của hướng ĐÔNG… cũng chính là những tuyến Đại không vong.
Cho nên trên thực tế, những nhà có hướng phạm phải những tuyến Đại không vong bao giờ cũng kèm thêm vấn đề phạm cả tuyến Tiểu không vong nữa. Chính vì vậy mà mức độ phát sinh tai họa của chúng mới càng thêm mãnh liệt.
Ngoài 24 tuyến Tiểu không vong chính ở trên, còn cần phải để ý đến những tuyến nằm gần khu vực đường ranh giới giữa 2 sơn, nhưng cũng chia thành những trường hợp khác biệt như sau:
1) Những tuyến nằm ở phần giữa 2 sơn, nhưng 1 sơn thuộc Địa nguyên Long, 1 Sơn thuộc Thiên nguyên Long (xin xem lại bài “24 sơn-hướng và Tam nguyên Long): thì tất cả những tuyến nằm gần tuyến Tiểu không vong chính trong khoảng cách là 1 độ rưỡi – dù là bên trái hay bên phải của nó – cũng đều bị coi là những tuyến Tiểu không vong.
Thí dụ: Hai sơn NHÂM và TÝ của hướng BẮC được phân chia bởi tuyến vị 352 độ 5. Đó là tuyến Tiểu không vong chính. Nhưng vì NHÂM thuộc Địa nguyên Long, còn TÝ thuộc Thiên nguyên long, cho nên tất cả những tuyến nằm cách tuyến vị 352 độ 5 trong phạm vị 1 độ 5 – dù là bên phải hay bên trái của nó – như các tuyến 351 độ, 352 độ, 353 độ, 354 độ cũng đều là những tuyến Tiểu không vong cả. Nhưng các tuyến như 350 độ 5, hoặc 354 độ 5 thì lại không còn được coi là những tuyến Tiểu không vong nữa, vì đã cách tuyến Tiểu không vong chính hơn 1 độ 5 rồi.
Một điều cần nói thêm là vì giữa Địa nguyên long với Thiên nguyên long trong cùng 1 hướng bao giờ cũng có vấn đề trái nghịch âm-dương, nếu Thiên nguyên long là sơn âm thì Địa nguyên long sẽ là sơn dương, và ngược lại, cho nên những tuyến Tiểu không vong nằm giữa 2 sơn (hướng) này còn bị gọi là những tuyến “sai lạc âm-dương” hoặc “âm-dương sai thố”.
2) Những tuyến nằm ở phần giữa 2 sơn, nhưng 1 sơn thuộc Thiên nguyên Long, 1 sơn thuộc Nhân nguyên Long: thì chỉ có tuyến vị chính giữa 2 sơn mới bị coi là tuyến Tiểu không vong mà thôi. Tuy nhiên trên thực tế thì những tuyến Tiểu không vong này đều vô hại. Lý do là vì trong cùng 1 hướng thì sơn thuộc Thiên nguyên Long bao giờ cũng cùng âm-dương với sơn thuộc Nhân nguyên Long. Mà vì đã nằm trong cùng 1 hướng, lại cùng 1 khí âm hoặc dương, nên dù có nằm chồng lên đường phân giới giữa 2 sơn cũng vẫn không sợ khí bị pha tạp hay hỗn loạn.
Cho nên nguyên tắc chính của Huyền không vẫn là vấn đề thuần khí. Khí đã thuần thì có thể kiêm nhiều, khí không thuần thì dù 1 độ cũng không kiêm, còn những tuyến vị Đại-Tiểu không vong chỉ là những mức độ ấn định sự kiêm hướng sai lạc quẻ (Đại không vong) hoặc âm-dương (Tiểu không vong) đã tới mức độ tối đa, cực kỳ hung hiểm rồi vậy.
Thí dụ: Hai sơn TÝ và QUÝ thuộc hướng BẮC được phân chia bởi tuyến vị 7 độ 5, nên trên lý thuyết thì đó là tuyến Tiểu không vong chính. Nhưng vì TÝ là âm sơn, thuộc Thiên nguyên Long; còn QUÝ cũng là âm sơn, thuộc Nhân nguyên Long. Giữa chúng không có sự khác biệt về âm-dương (vì cùng là âm sơn) hay tính chất (cùng thuộc hướng BẮC). Cho nên ngay cả những nhà có tuyến vị là 7 độ 5 (tức trùng với tuyến Tiểu không vong) cũng không sao cả.
3) Những tuyến nằm giữa 2 sơn, nhưng 1 sơn là Nhân nguyên long, 1 sơn là Địa nguyên Long: đây chính là trường hợp của những tuyến Đại không vong đã nói ở phần trên.
Như vậy nếu xét kỹ thì thật ra trên la bàn chỉ có 8 tuyến Đại không vong và 8 tuyến Tiểu không vong chính mà thôi. Bên cạnh chúng còn có thêm 1 số tuyến nằm trong khoảng cách 1 độ 5 ở 2 bên cũng đều được xem là những tuyến vị Đại-Tiểu không vong cả. Còn ngoài ra, những tuyến vị nằm giữa 2 sơn thuộc Thiên nguyên Long và Nhân nguyên Long trên thực tế không phải là Không vong. Còn những tuyến nằm giữa 2 sơn thuộc Nhân nguyên Long và Địa nguyên Long là trường hợp Đại không vong rồi vậy.
Xét về mức độ tác hại thì những hướng Tiểu không vong cũng gây ra nhiều tai họa cho những ai sống trong căn nhà đó, như gia đình đổ vỡ, ly dị, tài lộc hao tán, dễ bị thưa kiện, hình ngục, người sống trong nhà cũng thường bất chính, hay vi phạm luật lệ, phạm pháp hoặc trộm cắp, hung dữ, lại dễ thấy ma quỷ… Cho nên sách “Trạch vận tân án” mới viết những nhà phạm tuyến Tiểu không vong (tức âm-dương sai thố) thì thường là “tiến, thoái lưỡng nan, không tạo dựng nổi uy quyền, danh tiếng. Lại chuốc kiện tụng, thị phi, trở thành bại cục (cách thất bại), hao tổn công sức”.
Ngoài những tuyến Đại-Tiểu không vong ở trên thì trong 1 số sách vở còn đề cập đến những đường phân giới của 64 quẻ tiên thiên, và cũng xem những tuyến đó là Đại không vong. Rồi gộp hết tất cả những tuyến đó, cộng với những tuyến Đại-Tiểu không vong chính và gọi chúng là những tuyến “BẤT KHẢ LẬP” (tức những tuyến vị không thể chọn để lập hướng nhà hay mộ).
Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì thấy những đường phân giới của 64 quẻ Tiên thiên thật ra cũng trùng với những tuyến vị “Phân châm” hoặc “Phân kim” trên Tưởng bàn (tức 1 loại la bàn do Tưởng đại Hồng làm ra), mà trong đó, cách tính để chia tuyến vị của 64 quẻ Tiên Thiên như sau: lấy 64 quẻ chia cho 8 hướng, thì mỗi hướng có 8 quẻ. Mỗi hướng tổng cộng có 45 độ, chia cho 8 quẻ thì mỗi quẻ chiếm 5 độ, còn dư 5 độ. Để phân chia cho đồng đều, Tưởng đại Hồng xếp 5 quẻ tiên thiên vào phần giữa của mỗi hướng (tổng cộng là 40 độ). Còn khu vực tiếp giáp giữa mỗi hướng thì để chừa ra mỗi bên là 2 độ 5 (tổng cộng là 5 độ). Khu vực này được coi là khu vực “xuất quái” (ra khỏi quẻ hay hướng).
Như vậy, tổng cộng độ số của 8 quẻ (40 độ) và khoảng trống ở gần ranh giới giữa 2 hướng (5 độ) là 45 độ, tức đã bao hàm hết 1 hướng. Nếu tính như vậy thì tất cả mọi tuyến vị chính giữa của 24 sơn đều nằm trên đường phân giới của 64 quẻ Dịch.
Đó là lý do tại sao có 1 số trường phái Phong thủy (nhất là Tam hợp phái) thường cho rằng tuyến vị chính giữa của 24 sơn là những tuyến “Đại không vong”, cho nên khi lập hướng nhà hay mộ thì họ thường tránh những tuyến vị đó, mà kiêm sang bên phải hoặc trái 3 độ, chứ không dám lấy đơn hướng.
Đây là 1 sai lầm, chẳng những vì họ đã không biết tới vấn đề hướng nhà phải thuần khí, mà còn có thể kiêm không đúng độ số, vì không phải tọa-hướng nào cũng có thể kiêm 3 độ, mà còn tùy thuộc vào những sơn mà chúng tọa lạc là âm hay dương.
Hơn nữa, hướng kiêm 3 độ cũng là lằn ranh giới giữa chính hướng và kiêm hướng, nên nếu kiêm không cẩn thận, hướng đó có thể đã ra ngoài chính hướng và thuộc về kiên hướng, nên có thể đang từ tốt biến thành xấu…
Ngoài ra, vì các sách vở cổ xưa hoặc đã thất bản, hoặc cố tình không nói tới lý do tại sao lại đem 64 quẻ Tiên thiên vào trong la bàn. Nhưng theo thiển ý của người viết thì có lẽ chỉ là dùng để phụ đoán thêm tính chất của từng hướng nhà mà thôi (như trường hợp Nhị thập bát tú…), chứ không phải mục đích là để chọn phương hướng.
Chính vì vậy mà tuy Tưởng đại Hồng vẫn đưa 64 quẻ Tiên thiên vào trong la bàn do ông chế tạo, nhưng khi chọn hướng thì vẫn lấy đơn hướng (tức là đè lên đường phân giới của quẻ Dịch). Điều này chứng tỏ đường phân giới của 64 quẻ Tiên thiên thật ra không có giá trị gì về phương diện lập hướng cả.
Đối với những nhà phạm tuyến Đại-Tiểu không vong tuy rằng rất xấu, nhưng nếu biết cách hóa giải thì cũng có thể biến xấu thành tốt mà xử dụng được, chứ cũng không phải nhất quyết vì chúng thuộc những tuyến “bất khả lập” nên hoàn toàn không xử dụng được. Vấn đề này sẽ được nói trong 1 dịp khác.
Ngoài ra, đối với trường hợp những nhà có tọa-hướng thuộc Thiên nguyên Long kiêm Nhân nguyên Long, hoặc Nhân nguyên Long kiêm Thiên nguyên Long tuy có thể kiêm nhiều mà không sợ phạm Không vong, nhưng vẫn phải kiêm đúng pháp độ, tùy theo tọa-hướng thuộc sơn dương hay âm. Nếu thuộc sơn dương thì có thể kiêm tới 7 độ, nếu là sơn âm thì chỉ có thể kiêm tới 6 độ mà thôi.
PHƯƠNG PHÁP CHỌN HƯỚNG NHÀ (4)
Thành môn
Trong việc chọn tọa-hướng cho nhà ở (hay phần mộ), ngoài những vấn đề đã được nêu ra thì còn cần để ý tới khu vực 2 bên phía trước như thế nào để có thể dùng bí quyết của “Thành môn”.
Thành môn, tức cổng thành, là nơi ra, vào thành cũng là chỗ dẫn nước ra, vào ở phía dưới. Cho nên Thành môn chính là cửa ngõ để vào huyệt, hoặc nơi thủy đến, thủy đi, thủy hội tụ ở 2 bên phía trước. Đối với nhà cửa thì nếu khu vực đó có ngõ rẽ vào nhà hay ngã ba, ngã tư, ao, hồ, biển, hoặc chỗ 2 dòng sông tụ hội… thì những nhà đó được xem như có Thành môn.
Thành môn cũng được chia ra làm 3 loại như sau:
1) Thành môn chính: nằm ở những khu vực mà khi kết hợp với khu vực ở đầu hướng sẽ hợp thành những số Tiên thiên như 1-6, 2-7, 3-8, 4-9.
Thí dụ: Căn nhà hướng NAM, có ngõ vào nhà nằm ở khu vực phía ĐÔNG NAM. Vì ĐÔNG NAM thuộc quẻ TỐN mang số 4, còn NAM thuộc quẻ LY mang số 9, hợp thành số Tiên thiên 4-9, nên ngõ vào nhà đó được coi là Thành môn chính.
2) Thành môn phụ: chỉ là những vị trí nằm bên cạnh đầu hướng, nhưng không có sự tương hợp thành những số Tiên thiên như ở trên.
Thí dụ: Nhà hướng NAM, nhưng có ngõ vào nhà ở khu vực TÂY NAM. Vì NAM là số 9, TÂY NAM là số 2, giữa 2 khu vực này không có sự tương hợp thành số Tiên thiên, nên đây là Thành môn phụ.
3) Thành môn ngầm: ngoài Thành môn chính (được gọi là “Chính mã”) và Thành môn phụ (được gọi là “tá mã”), còn có Thành môn ngầm, nhưng cũng được chia thành 2 loại như sau:
a) Khi an vận bàn mà vận tinh Ngũ Hoàng tới 1 trong 2 phía bên cạnh đầu hướng. Nếu nơi đó có thủy hay cửa khẩu, ngõ ra vào… thì cũng được coi là Thành môn.
Thí dụ: nhà tọa TÝ hướng NGỌ (180 độ), nhập trạch trong vận 8, nên khi an vận bàn thì vận tinh Ngũ Hoàng sẽ đến phía TÂY NAM. Nếu nơi này có ngã tư, ngõ vào nhà, ao, hồ… thì được xem là Thành môn ngầm. Sở dĩ như thế là vì trong mỗi vận, khu vực có vận tinh Ngũ Hoàng bao giờ cũng là khu vực của Linh Thần (xin xem lại bài “Chính Thần và Linh Thần”), nên khi khu vực này có cổng, ngõ hay thủy khẩu thì được xem như Linh thần đắc thủy, chủ đại vượng cho nhà cửa trong vận đó. Vì vậy nó mới được xem như 1 loại Thành môn mà thôi.
b) Khi các vận, sơn hay hướng tinh tới 2 phía bên cạnh đầu hướng, mà chúng lại kết hợp với địa bàn tại nơi đó thành các số Tiên thiên. Nếu khu vực đó có cổng, ngã ba, ao, hồ, núi cao… thì cũng được xem như có Thành môn.
Thí dụ: nhà tọa CANH, hướng GIÁP (tức hướng ĐÔNG, 75 độ), nhập trạch trong vận 8. Nếu an Vận bàn thì vận tinh số 6 tới hướng. Bây giờ nếu muốn an Hướng bàn thì lấy số 6 nhập trung cung xoay nghịch (vì hướng GIÁP tương ứng với sơn TUẤT của số 6, là sơn âm nên xoay nghịch – xin xem lại bài PHƯƠNG PHÁP LẬP TINH BÀN) thì số 3 đến ĐÔNG BẮC. Vì ĐÔNG BẮC nằm bên cạnh khu vực đầu hướng của căn nhà, mà địa bàn của nó là số 8, nên khi gặp hướng tinh số 3 tới sẽ tạo thành cặp số Tiên thiên 3-8. Nếu nơi này có thủy hay cổng, ngõ vào nhà thì được xem là có Thành môn.
Đối với Huyền không Học, việc xác định Thành môn là 1 yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn phương vị tọa hướng cho ngôi nhà hay phần mộ. Bởi vì như Thẩm trúc Nhưng nói:”Thành môn là nơi then chốt để khí tiến vào huyệt”, hoặc như Bạch hạc Minh xem nó “giống như yết hầu của con người”. Cho nên Thành môn chính là nơi nắm giữ vận khí của chân long địa huyệt hay nhà cửa. Nếu nó tốt thì dù nhà cửa hay phần mộ có gặp hướng xấu, hay bị hung khí xung sát cũng vẫn bình yên, hoặc có thể hóa hung thành cát mà làm cho nhà đó vẫn vượng phát.
Riêng đối với những căn nhà đã lập phương hướng đúng phép mà lại còn đắc Thành môn thì chẳng khác nào áo gấm thêm hoa, tài lộc và nhân đinh sẽ hưng thịnh 1 thời. Cho nên sách mới có câu:”Bí quyết Thành môn là cực tốt (tối vi lương), cất nhà, lập mộ thì đại cát”.
Tuy nhiên, cách dùng Thành môn không phải cứ hễ thấy ở 2 bên đầu hướng có cổng, ngã ba, ngã tư hay sông nước là có thể xử dụng, mà còn phải theo những nguyên tắc căn bản sau đây:
– Tọa-hướng nhà phải đồng Nguyên long với khu vực có cổng, cửa hoặc sông nước ở 2 bên đầu hướng. Điều này đã nói rõ trong bài “Phương pháp chọn hướng nhà (1)”, phần bàn về vấn đề thuần khí (chỉ có sự khác biệt là với vấn đề thuần khí thì có thể lấy được cả những cổng, ngõ, nơi có thủy… tại bất cứ khu vực nào, miễn là được đồng nguyên với hướng; còn Thành môn thì chỉ lấy được ở 2 phía bên cạnh hướng mà thôi).
* Thí dụ: nhà tọa TÝ hướng NGỌ (180 độ), nhập trạch trong vận 8. Vì nhà này hướng NGỌ (tức hướng NAM), nên khi chọn Thành môn thì chỉ có thể lấy ở khu vực 2 bên của đầu hướng, tức là 2 phía ĐÔNG NAM và TÂY NAM. Do đó, nếu ở sơn TỐN thuộc phía ĐÔNG NAM, hoặc sơn KHÔN thuộc phía TÂY NAM có cổng, ngõ hay thủy khẩu thì nhà đó có Thành môn. Còn những khu vực THÌN, TỴ của ĐÔNG NAM, cũng như MÙI, THÂN của TÂY NAM tuy cũng nằm ở 2 bên hướng, nhưng do không đồng nguyên với tọa-hướng nên không thể lấy làm Thành môn.
– Khu vực của Thành môn cũng phải đắc vượng khí của Phi tinh, có như thế mới hóa giải được khí xấu nơi đầu hướng, hoặc làm cho khí nơi đầu hướng càng thêm tốt đẹp. Nhưng muốn biết vượng khí có tới Thành môn hay không, thì không phải căn cứ vào Hướng tinh tại đó để xác quyết, mà phải xem Thành môn nằm tại sơn nào (trong 24 sơn)? Sơn đó trùng với sơn nào của vận tinh tới khu vực đó? Rồi mới đem vận tinh đó nhập trung cung, xoay chuyển theo chiều thuận (hay nghịch) tùy theo sơn của vận tinh đó là dương hay âm. Nếu số đến khu vực của Thành môn cũng tương đồng với đương vận thì tức là có vượng khí đến Thành môn.
* Thí dụ: cũng lấy nhà tọa TÝ hướng NGỌ ở trên. Nếu an vận bàn của vận 8 thì vận tinh số 5 đến TÂY NAM, vận tinh số 7 đến ĐÔNG NAM. Vì phía TÂY NAM chỉ có sơn KHÔN có thể chọn làm Thành môn, mà KHÔN thuộc dương nên lấy 5 nhập trung cung xoay thuận thì 2 đến KHÔN, là tử khí trong vận 8 nên không thể dùng (tuy nhiên, vì vận tinh 5 tới phía TÂY NAM tạo thành cách “Thành môn ngầm”, nên lại là 1 cách khác). Kế đó, quay sang vận tinh số 7 ở ĐÔNG NAM. Vì chỉ có sơn TỐN mới có thể chọn làm Thành môn, mà TỐN trùng với sơn DẬU của số 7, là sơn âm nên lấy 7 nhập trung cung xoay nghịch thì 8 đến TỐN, là vượng khí của vận 8, nên nơi này có thể dùng làm Thành môn. Vì vậy, nếu phương TỐN của nhà này mà có cổng, ngõ vào nhà, thủy khẩu… thì tài lộc sẽ đại vượng.
Về mức độ tác dụng của các loại Thành môn thì Thẩm trúc Nhưng thường cho rằng Thành môn chính có tác dụng mạnh hơn Thành môn phụ, nhưng ông không nói gì tới hiệu lực của Thành môn ngầm. Tuy nhiên nếu nhìn thì cũng có thể thấy là tác dụng của Thành môn ngầm phải yếu hơn Thành môn phụ. Nhưng vì không phụ thuộc vào việc bảo vệ nguyên khí cho tọa-hướng, nên Thành môn ngầm không bị giới hạn trong phạm vi 1 sơn, mà có thể bao hàm hết cả 1 hướng.
Thí dụ: nhà tọa TÝ hướng NGỌ trong vận 8, khu vực phía TÂY NAM có vận tinh số 5 đắc Thành môn ngầm. Thành môn này có thể chiếm hết 3 sơn MÙI-KHÔN-THÂN của hướng TÂY NAM, chứ không bị giới hạn trong 1 sơn như những Thành môn chính hay phụ, nhưng tác dụng của nó cũng yếu hơn 2 loại Thành môn kia.
Ngoài ra, về thời gian ảnh hưởng của Thành môn đối với 1 căn nhà hay 1 địa huyệt thì tùy theo từng loại Thành môn mà sẽ rất lâu dài hay chỉ ngắn ngủi trong 1 vận. Điều này sẽ được nói trong 1 dịp khác.
Phối hợp Phi tinh với địa hình (loan đầu)
Ngoài những vấn đề kể trên thì còn phải để ý đến địa hình bên ngoài xem có phù hợp với Phi tinh hay không?
Nói địa hình (hay loan đầu) phù hợp với Phi tinh tức là những nơi có thủy của sông, hồ, ao biển, hoặc đường đi, sân rộng, đồng trống… phải nằm trùng với những nơi có sinh khí hay vượng khí của Hướng tinh. Còn những nơi có núi đồi, gò cao, hay nhà cửa, cây cối… thì phải nằm trùng với những khu vực có sinh khí hay vượng khí của Sơn tinh.
Tuy nhiên, vì những điều này đã được nói khá nhiều trong những bài trước đây như “VƯỢNG SƠN, VƯỢNG HƯỚNG”, “THƯỢNG SƠN, HẠ THỦY”, “THU SƠN, XUẤT SÁT”… cho nên bạn đọc có thể đọc kỹ những bài đó để am tường vấn đề phối hợp giữa loan đầu và Phi tinh.
KẾT LUẬN
Qua việc khảo sát các vấn đề thuần khí, chính hướng, kiêm hướng, Đại-Tiểu không vong, chúng ta có thể đi đến kết luận là những tuyến vị chính giữa của mỗi sơn (tức tuyến vị đơn hướng) là những tuyến tốt nhất trong việc tuyển chọn tọa-hướng cho nhà của. Nếu chúng còn có thể phối hợp được với Thành môn, cũng như có được sự ứng hợp giữa Phi tinh với loan đầu thì nhà đó sẽ đại phát cả phú lẫn quý, con người cũng trong sạch, thanh khiết, chứ không thô lậu, bỉ tiện, hoặc đê hèn, gian trá…
Nếu nhìn vào đại cuộc thì các thành phố, kinh đô của mọi quốc gia cũng cần hoạch định đường xá như thế nào, để khi xây dựng nhà cửa thì sẽ không có những nhà kiêm hướng qúa nhiều, hay phạm không vong, sai thố… tức là những điều kiện có thể phát sinh ra nhiều tai họa hoặc tội ác.
Tuy rằng những thành phố, kinh đô vẫn phải chịu ảnh hưởng của vận khí long mạch tại đó, nên cũng có những lúc hưng thịnh hoặc suy đồi, nên tội ác, tai họa không phải sẽ không bao giờ có. Nhưng nhìn chung thì cuộc sống của những người dân sống trong những thành phố, quốc gia đó sẽ được yên ổn, thịnh vượng hơn những thành phố hay những quốc gia khác.
Lấy thí dụ như trung tâm của thủ đô Washington Hoa Kỳ chỉ làm đường theo 4 trục chính là BẮC-NAM, ĐÔNG-TÂY, cho nên nhà cửa, dinh thự… đại đa số chỉ có 4 đơn hướng là TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU. Hay như trung tâm thành phố New York cũng chỉ làm đường theo 4 trục chính là 30 độ – 210 độ, hoặc 300 độ – 120 độ, cho nên đại đa số nhà cửa cũng chỉ nằm trong 4 đơn hướng là THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI mà thôi. .